» VĂN BẢN PHÁP LUẬT » QUYỀN LỢI BẢO HIỂM XÃ HỘI KHI NGHỈ VIỆC
Thủ tục để được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH) khi nghỉ việc (mới nhất).
Tại khoản 3 Điều 48 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
1.a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và người sử dụng lao động phải trả lại cùng với bản chính các loại giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
2.b) Người sử dụng lao động phải cung cấp bản sao các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu này do người sử dụng lao động chi trả.
Ngoài ra, khi người lao động nghỉ việc, nếu không phải trường hợp tự ý nghỉ ngang, người lao động cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp một số giấy tờ chứng minh nghỉ việc, như:
– Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;
– Quyết định thôi việc;
– Quyết định sa thải;
– Quyết định kỷ luật buộc phải cho nghỉ việc;
– Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Có hai hướng để được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội mà người lao động có thể chọn: Hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc Hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc
1. Hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động cần nhanh chóng làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Trong thời gian tìm việc tại công ty, người lao động có thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng để được hưởng trợ cấp này, người lao động cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, cụ thể như sau:
– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật; Người lao động đã hưởng lương hưu; Người lao động đã hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
– Người lao động đã đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
– Đã nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ trừ các trường hợp như: Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết…
Bên cạnh các trợ cấp thất nghiệp, theo Điều 42 của Luật Việc làm 2013, thì người lao động còn được hưởng thêm các quyền lợi sau:
– Hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm.
– Hỗ trợ học nghề .
– Hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp.
⇒ Người lao động đến trung tâm thất nghiệp nơi mình cư trú để được hưởng thêm các quyền lợi nêu trên.
2. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc.
Trong trường hợp người lao động đã nghỉ việc và không muốn tiếp tục đi làm, không có nhu cầu tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì có thể làm hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 93/2015/QH13 như sau:
– Đủ tuổi hưởng lương nhưng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;
– Lao động nữ là cán bộ và công chức xã hoặc hoạt động không chuyên trách tại cấp xã từ đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021) mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
– Người lao động ra nước ngoài định cư (cần cung cấp bằng chứng là các giấy tờ về việc định cư ở nước ngoài);
– Người lao động đang mắc một trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển qua giai đoạn AIDS và các bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
– Người lao động là Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, học viên quân đội, công an… khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc nhưng không đủ điều kiện để được hưởng lương hưu;
– Người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc có tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.